“ATM GẠO” TRAO ÂN TÌNH NHỬNG NGÀY CUỐI NĂM

Sáng 26/12, cây “ATM gạo” tại trụ sở KP Phước Lai, P.Long Trường – TP Thủ Đức (TP.HCM), liên tục tuôn chảy những hạt gạo nghĩa tình, tặng 500 người dân ở TP Thủ Đức có hoàn cảnh khó khăn.

SẺ CHIA ẤM ÁP

Chương trình mang đầy tính nhân văn này, là kết quả phối hợp của Đảng ủy - UBND - UBMTTQVN P.Long Trường, với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Rio Land - Quỹ cộng đồng Rio thực hiện.

Sáng 26-12, khoảng 500 người dân được tặ ... tại cây ATM gạo, ở P.Long Trường, Thủ Đức

Rưng rưng khi vừa nhận túi gạo 2kg, cụ bà Lương Thị Vốc, 73 tuổi, cư trú tại Khu phố Ông Nhiêu, P.Long Trường kể với phóng viên: “Cán bộ phường luôn hiểu rất rõ hoàn cảnh của người dân, nên thường xuyên tổ chức những buổi tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp chúng tôi vẫn có cái ăn, cái mặc trong lúc khó khăn”.

Cảm động hơn khi nhiều người khuyết tật ngồi xe lăn bán vé số, các chị với đôi quang gánh đi mua phế liệu dạo ngang qua đây ghé vào, cũng đều được nhận gạo, không phân biệt cư trú tại đâu. Với những tấm lòng thơm thảo đang miệt mài cho đi, chỉ mong được góp phần giúp người dân vơi đi nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Hoạt động nhân ái, chăm lo đời sống người dân được quan tâm và duy trì thường xuyên. Bà Mai Thị Nhung - Chủ tịch UBMTTQ VN phường Long Trường cho biết: “Mỗi tháng một lần, chúng tôi tổ chức ngày hội “Đổi rác tái chế lấy quà”, nhằm tạo điều kiện giúp nhân dân được nhận thực phẩm. Đồng thời hình thành thói quen tốt, phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường”.

Ba năm nay, việc làm mang nhiều ý nghĩa trên đã lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng.

Được biết, sáng kiến lập cây “ATM gạo” tại địa phương này ra đời từ năm 2021, giữa lúc cả TP.HCM “căng mình” chống dịch COVID-19. Nhiều người dân đã ví von như “kho gạo Thạch Sanh” cứ hết lại đầy. Hàng chục tấn gạo đồng nghĩa với bao ân tình “lá lành đùm lá rách” đã trao đi, giúp hàng ngàn gia đình yên tâm vượt qua đại dịch. Bà Trần Quỳnh Liên, đại diện quỹ cộng đồng Rio - đơn vị tài trợ chương trình suốt từ đầu cho đến nay tâm sự: “Càng tham gia các hoạt động thiện nguyện, chúng tôi càng thấu hiểu rằng còn nhiều phận đời cơ nhỡ cần chung tay san sẻ”.

Cũng theo bà Quỳnh Liên, sau buổi tặng gạo này, đơn vị và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tiến hành đến ngày 6/1/2024. Lịch hoạt động của “ATM gạo” đã được thông báo đến từng hộ gia đình, cùng tin nhắn rộng rãi trên zalo, facebook: mỗi tuần ba lần vào sáng thứ ba, năm, sáu.

NHỮNG TRÁI TIM NHÂN HẬU

Trước đó vài ngày, 300 hộ gia đình ở P.Tăng Nhơn Phú B được UBND phường và Bệnh viện thẩm mỹ Sao Hàn tặng thẻ BHYT. Với những người lao động tự do, thu nhập bấp bênh, tấm thẻ BHYT không khác gì chiếc phao cứu sinh lúc trái gió trở trời, ốm đau, bệnh nặng.

Cũng tại P.Tăng Nhơn Phú B, một món quà tết ý nghĩa khác cũng đã đến với gia đình ông Huỳnh Văn Thị, cư trú KP1, khi căn nhà cấp 4 chỉ với 15m2 của ông Thị xuống cấp, được TP Thủ Đức và P.Tăng Nhơn Phú B hỗ trợ hơn 60 triệu đồng sửa lại khang trang.

 

Bà Mai Thị Nhung - Chủ tịch UBMTTQ VN phường Long Trường (bìa trái) trao quà đến hoàn cảnh khó khăn.

Thấu cảm với tai nạn lao động bất ngờ khiến anh Đặng Trí Thức, 41 tuổi tử vong, UBMTTQVN TP Thủ Đức cùng chính quyền P.Long Phước, nơi gia đình anh Thức cư ngụ, đã kịp thời đến chia buồn, thăm hỏi vợ và hai con nhỏ của anh Thức. Đồng thời trao tặng tổng cộng 37,5 triệu đồng, phần nào giúp gia đình anh trang trải cuộc sống trước mắt, khi mất đi trụ cột trong nhà.

Những yêu thương san sẻ chan chứa tình người, càng nở rộ nhiều hơn trong những tháng cuối năm. Có doanh nghiệp ở Đồng Nai với 10.000 lao động, dự kiến tài trợ 70% tiền vé xe giúp công nhân được về quê đón tết. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những vòng tay nhân ái của cộng đồng làm ấm lòng người mưu sinh xa quê. Ở qui mô nhỏ hơn nhưng nghĩa cử không kém phần xúc động, đó là nhiều chủ phòng trọ giảm giá cho người thuê, hoặc được “trả chậm” đến sau tết. Giữa muôn vàn gian khó bủa vây, song tình người trong hoạn nạn thì chẳng bao giờ thay đổi.

 Đây đó trên nhiều tuyến đường tại các đô thị lớn, người ta lại thấy xuất hiện những địa chỉ “cơm 0 đồng”, nước uống miễn phí, quần áo “ai có đến cho, ai cần đến nhận”… “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, quả nhiên tình cảm giữa người với người chẳng cần phân biệt lạ quen. Mỗi việc làm “mình vì mọi người” dù ở góc độ nào cũng thật sâu sắc và xứng đáng được ngợi khen./.

Các tin khác