Sáng nay 28-4, khánh thành cầu Thủ Thiêm 2

Sáng nay 28-4, TP.HCM tổ chức lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, kết nối quận 1 với TP Thủ Đức. Từ 15h cùng ngày, xe cộ sẽ được đi qua cầu này.

Sáng nay 28-4, khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 - Ảnh 4.

Tại buổi lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay nhiều công trình trọng điểm tại TP đựợc hoàn thành, khởi công dịp lễ 30-4 và 1-5. Trong đó, việc hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 sẽ góp phần phát triển khu đô thị phía Đông và cũng là điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể cảnh quan sông Sài Gòn.

Theo ông Mãi, TP đề ra mục tiêu xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm đô thị văn minh hiện đại, trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại cao cấp không chỉ của TP mà của khu vực theo cơ chế tổ chức quản lý mới nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển. Đây là khu đô thị được tập trung đầu tư, xây dựng hiện đại hoàn chỉnh, hình thành không gian sống, làm việc lý tưởng, gần gũi thiên nhiên.

Cùng với hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1, công trình cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành mạng lưới giao thông và thu hút đầu tư vào khu đô thị này. Cầu có kiến trúc độc đáo, kết cấu dây văng "hai mặt phẳng dây" với chiều dài 200m và 1 trụ tháp dạng "đầu rồng" bố trí lệch về phía Thủ Thiêm..

Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đang được nghiên cứu đầu tư trong thời gian tới sẽ làm công trình trở thành biểu tượng kiến trúc, tạo thêm vẻ đẹp mỹ quan đô thị và cảnh quan trung tâm TP.

Theo ông Mãi, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh TP đang phục hồi kinh tế sau thời gian khó khăn vượt qua dịch bệnh. Đặc biệt, thời gian tới, với vai trò là trung tâm kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, TP sẽ tiếp tục ưu tiên, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với các dự án có liên kết vùng như vành đai 3, cao tốc TP.HCM -Mộc Bài, nút giao thông An Phú, mở rộng quốc lộ 50...

Sáng nay 28-4, khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 - Ảnh 5.Sáng nay 28-4, khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 - Ảnh 6.Sáng nay 28-4, khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 - Ảnh 9.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Khởi công từ tháng 2-2015, cầu Thủ Thiêm 2 được xây dựng dài 1.465m, quy mô 6 làn xe. Phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng, cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Cầu có tổng vốn đầu tư 3.082 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Công trình sẽ tạo thêm tuyến kết nối mới giữa trung tâm đô thị hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), nhằm tạo động lực phát triển cho khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM.

Ban đầu, cây cầu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên vấn đề mặt bằng luôn là nút thắt lớn với hầu hết các dự án giao thông tại TP, cầu Thủ Thiêm 2 cũng không ngoại lệ.

Cũng vì mặt bằng, mốc tiến độ hoàn thành cầu nhiều lần phải lùi lại. Dự án thi công cầm chừng và từ tháng 8-2020 phải tạm dừng khi đạt 70% khối lượng. Khi đó cây cầu vươn tới gần quận 1, còn một nhịp là nối bờ thì dừng lại.

Đến cuối tháng 3-2021, Công ty cổ phần đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (chủ đầu tư) đã có văn bản kiến nghị TP tháo gỡ các khó khăn về thủ tục pháp lý, thanh toán hợp đồng BT và giải phóng mặt bằng. Trong kiến nghị, nhà đầu tư lo ngại nếu công trình dừng quá lâu, các nhà thầu sẽ giải thể công trường và việc huy động trở lại mất rất nhiều thời gian…

Trải qua nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn giữa nhà đầu tư và các đơn vị phía TP.HCM, đến tháng 4-2021, các vướng mắc về mặt bằng, thủ tục pháp lý dự án từng bước được tháo gỡ. Ngay sau đó, nhà thầu huy động máy móc, nhân lực để thi công trở lại. Công trình nhộn nhịp sau một thời gian tạm ngưng.

Cũng như nhiều công trình khác, công trường cầu Thủ Thiêm 2 cũng bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các sở ngành TP cùng nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu, công trình vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng vẫn luôn "sáng đèn" để đảm bảo tiến độ.

Từ đó, những đốt dầm còn lại dần được ráp nối, cây cầu được hợp long vào tháng 9-2021. Các phân đoạn phụ của dầm thép được gia công tại nhà máy ở Hải Phòng và được vận chuyển đến nhà máy tại Vũng Tàu bằng đường biển cách xa cả 1.500km. Sau khi tổ hợp hoàn chỉnh, các đốt dầm thép được vận chuyển về công trường để lắp đặt.

Cây cầu với thời gian xây dựng gần 7 năm, trải qua nhiều trắc trở phần vì vướng mặt bằng, phần vì điều chỉnh, rà soát hợp đồng BT nhưng cuối cùng cầu cũng hoàn thành trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

 ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Theo báo Tuổi trẻ

Các tin khác