5 dòng tiền lớn đang đổ vào bất động sản

Bất động sản là kênh hữu hiệu huy động nguồn tài chính dồi dào trong và ngoài nước, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng, góp phần kích thích các ngành sản xuất liên quan, ông Nguyễn Thế Hào, Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam phát biểu khởi động diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020”, diễn ra ngày 19/12/2019.

5 dong tien lon dang do vao bat dong san
Ảnh minh họa

Bất động sản thời gian qua là kênh thu hút vốn ngoại lớn. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai, chiếm gần 30% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, việc bất động sản Việt Nam hút đầu tư nước ngoài sẽ giúp chuẩn hóa thị trường bất động sản Việt Nam.

Cùng với đó, những nỗ lực không ngừng của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính có liên quan, đặc biệt trong thời gian tới đây sẽ trình quốc hội xem xét và sửa đổi những điều luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của thị trường bất động sản cụ thể như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, thuế liên quan đến bất động sản... sẽ tiếp tục tạo nền tảng và động lực quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đang chứng kiến sự đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn, đặc biệt ở hai thành phố lớn nhất, sôi động nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các khu kinh tế trọng điểm. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng lên 46% vào năm 2025.

Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình. Tốc độ đô thị hóa không chỉ khiến nhu cầu về nhà ở tăng mà còn kích cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng. Điều này đã đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp cấp thiết để có thể cấu trúc phù hợp và hiệu quả trước áp lực mật độ dân cư tại các khu đô thị.

Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội của JLL Việt Nam, cho rằng: “Với các hiệp định thương mại đã được ký kết cho thấy tín hiệu tốt về có nhiều nguồn vốn vào Việt Nam”.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản vận động rất tích cực. Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đang đón đầu lợi thế Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: Chính sách tiền tệ với bất động sản có thắt chặt nhưng mức độ thắt chặt vẫn còn khá lỏng. “Về tổng thể, cầu có thể tăng, giá có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đến cuối năm 2020, thị trường có thể trở lại bình thường”, ông Nghĩa nói.

Còn theo PGS-TS. Trần Kim Chung, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi cấp độ phát triển sang giai đoạn 2018-2021, đang chập chững bước sang giai đoạn tài chính hóa, bỏ qua giai đoạn tiền tệ hóa.

Các nhân tố kích thích thị trường bao gồm phát hành 120.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, đây là luồng tiền phái sinh quan trọng cho thị trường bất động sản; đất nền ở những khu vực mới đô thị hóa thu hút dòng tiền từ người mua; xu hướng quay lại với mua dự trữ...

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu 3 ảnh hưởng đến thị trường, gồm: đầu tư công giải ngân chậm; thị trường chứng khoán chậm phát triển; tư nhân đầu tư vào hạ tầng cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế.

Về nhân tố tích cực, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 5 dòng vốn đang chảy vào bất động sản trong năm 2019 và năm 2020.

Thứ nhất, theo số liệu 10 tháng 2019 cho vay xây lắp tổng dư nợ 800.000 tỷ đồng, tăng 8,5%; cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng 5,5%, cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%.

Thứ hai, trong năm nay, Chính phủ chỉ đạo gộp cho vay bất động sản và vay mua nhà, sửa nhà vào thành cho vay bất động sản. Như vậy, thực tế dòng vốn vào tăng 14,5%, cao hơn bình quân cho vay của hệ thống ngân hàng hết 10 tháng 2019 là khoảng 10%. “So sánh với khu vực, đây là tỷ lệ chấp nhận được”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Thứ ba, 11 tháng đầu năm có 16 nghìn doanh nghiệp xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7,3 nghìn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, vốn tăng 27,5%.

Thứ tư, tổng cả hai dòng vốn đăng ký mới và góp vốn 4,8 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam).

Thứ năm, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng 237.000 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2018; trong đó, doanh nghiệp bất động sản là 71.000 tỷ đồng.

“Đây là mức ấn tượng trong năm qua và là một dòng vốn quan trọng. Các quỹ trong tương lai sẽ phát triển rất tốt. Ta đã được phép thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản, đây là một kênh tiềm năng trong tương lai”, ông Lực nói.

Bà Nguyễn Hồng Vân chia sẻ: “Tôi thấy dòng vốn ngoại đi vào thị trường thì sẽ có nhiều tác động tích cực cho thị trường chứ không phải là tiêu cực. Thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ muốn đầu tư hoặc mua, tìm kiếm đối tác Việt Nam để liên doanh liên kết”.

Đây là dòng tiền tiềm năng, họ đem theo kinh nghiệm, dòng vốn và các doanh nghiệp trong nước có thể tìm được các nhà đầu tư nước ngoài thì không chỉ có thêm tiền mà còn có thể tích luỹ thêm kinh nghiệm để phát triển dự án của mình lên một tầm cao hơn. Các nhà đầu tư ngoại cũng không bị giới hạn tầm nhìn ở một lĩnh vực nào mà họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nhà thương mại, chung cư…

Các tin khác